Các Chuyên mụcKỹ thuật nông nghiệp

QUY TRÌNH KỸ THUẬT TRỒNG DƯA LƯỚI ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ CAO ĐẠT TIÊU CHUẨN VIETGAP TẠI KHÁNH HÒA

Trung tâm Khuyến nông Khánh Hòa hướng dẫn quy trình kỹ thuật sản xuất dưa lưới đạt tiêu chuẩn VietGap. Đây là kết quả của đề tài dưa lưới cấp tỉnh sau 2 năm triển khai nhằm giúp bà con nông dân nâng cao hiệu quả kinh tế tạo ra sản phẩm an toàn, đáp ứng nhu cầu càng cao của người tiêu dùng về sản phẩm sạch, đạt tiêu chuẩn VietGap.

Cây dưa lưới là đối tượng đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao khi trồng trong nhà màng. Mặc khác để chuyển giao tiến bộ kỹ thuật một cách đồng bộ thì chọn lựa được bộ giống và xây dựng quy trình kỹ thuật phù hợp với Khánh Hòa, mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, đào tạo kỹ thuật viên, tập huấn và mở Website để quảng bá thương hiệu dưa lưới ở tỉnh Khánh Hòa là rất cần thiết để góp phần tăng sản lượng và tạo sản phẩm an toàn, đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Cây dưa lưới có thời gian sinh trưởng ngắn ngày và cho năng suất cao. Hiện nay, nhiều nơi ở Việt Nam đã hình thành vùng trồng dưa ở  trong nhà màng theo hướng sản xuất hàng hóa. Việc sử dụng nhà màng để sản xuất nông nghiệp sẽ làm tăng hiệu quả kinh tế trong điều kiện sản xuất thâm canh. Nhà màng hạn chế vấn đề sâu bệnh lây lan và thuốc hóa học phòng trừ. Hơn nữa, canh tác trong nhà màng cho phép điều khiển độ ẩm của đất và không phụ thuộc vào thời tiết, nhất là mưa.     

Quy trình kỹ thuật gồm các nội dung sau:

1. Chuẩn bị nhà màng

Nhà màng được thiết kế với hệ thống thông gió 2 cửa áp mái cố định có rèm che, thông gió tự nhiên với chiều cao đến máng nước 4m, khẩu độ 9,6m, bước cột 3m. Với mái được lợp bằng màng Polymer 150 micron Ginegar và vách xung quanh là các tấm lưới mắt cáo chắn côn trùng gây hại với quy cách 50mesh.

2. Chọn giống

Tùy theo điều kiện và nhu cầu của thị trường có thể chọn giống có hình dạng, chất lượng phù hợp.

Bảng 1. Giống Dưa lưới thích nghi trồng tại Khánh Hòa

Tên giống

Năng suất (kg/cây)

Loại giống

Thời gian sinh trưởng (ngày)

Nguồn gốc

To Love 999

1,2 – 1,8

F1

75-80

Công ty TNHH Chia tai Việt Nam nhập từ Thái Lan

Thong Kham 999

1,2 – 1,8

F1

55 – 60

Cây giống khi trồng phải đạt tối thiểu

  • Số ngày gieo ươm : 7 – 10 ngày
  • Chiều cao cây: 4 – 5 cm
  • Đường kính thân: 2 – 3mm
  • Số lá thật: 1 – 2 lá

Tình trạng cây xuất vườn: Cây khỏe mạnh, không dị hình, không bị dập nát, ngọn phát triển tốt, không có các biểu hiện nhiễm sâu bệnh hại.

LÁ THẬT
 
LÁ MẦM

BỘ RỄ TRẮNG KHỎE

VÀ BAO LẤY GIÁ THỂ

 

Hình ảnh tiêu chuẩn cây giống dưa lê dưa lưới đạt tiêu chuẩn

3. Thời vụ trồng:

3.1. Điều kiện ngoại cảnh

Nhiệt độ: Sinh trưởng tốt trong điều kiện khí hậu ấm và khô, nhiệt độ tối ưu từ 18-30 độ C; Nhiệt độ < 12 độ C, hoặc >35 độ C sẽ ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển của cây dưa.

Độ ẩm: tối thích 65-75%. Độ ẩm cao sẽ làm cây sinh trưởng chậm, chất lượng quả giảm và dễ phát sinh bệnh.

Ánh sáng: cây dưa lê dưa lưới cần ánh sáng nhiều. Trời thiếu nắng, hoặc nhà kính nhà màng thiếu ánh sáng, thời tiết âm u kéo dài thì tỷ lệ đậu quả thấp, phẩm chất quả giảm.

3.2. Khung thời vụ trồng và thu hoạch:

Cây dưa lưới, dưa lê rất mẫn cảm với nền nhiệt độ cao (>35 độ C) và thời tiết âm u kéo dài vì sẽ ảnh hưởng đến giai đoạn thụ phấn và đậu quả.

Tại Khánh Hòa trồng trái vụ là cuối tháng 5, tháng 6, tháng 7 có nhiệt độ cao, nắng nóng bất thường (phải giảm nhiệt bằng quạt, tăng thời gian tưới) và thời tiết âm u (giữa tháng 8, tháng 9, tháng 10, tháng 11) có mưa rải rác hoặc thường xuyên nên cần chú ý ở giai đoạn thụ phấn và đậu quả.

4. Chuẩn bị cây con

Sử dụng khay ươm cây bằng xốp để gieo hạt (loại có 84 lỗ/khay).

Sử dụng giá thể gieo hạt được trộn đều với tỷ lệ phân trùn quế + đất phù sa (đất sạch) + than bùn, trấu hun theo tỷ lệ 30% phân trùn quế + 30% đất phù sa (đất sạch) + 40% than bùn, trấu hun.

Giá thể được cho vào đầy lỗ mặt khay xốp ươm, sau đó tiến hành gieo 1 hạt/lỗ. Cần ngâm ủ hạt giống trước khi gieo, ngâm hạt với nước ấm (2 sôi : 3 lạnh) từ 4-6 tiếng, sau đó dùng mảnh vải sạch (có khả năng giữ ấm tốt) để ủ hạt. Khi hạt nứt nanh, tiến hành cho vào khay ươm rồi phủ một lớp đất mỏng lên, để ở chỗ râm mát. Hằng ngày tưới nước giữ ẩm đảm bảo cho hạt nảy mầm đồng đều, khay ươm được đặt trong nhà màng (hoặc nhà ươm che mưa và lưới chắn côn trùng). Giai đoạn này cần quan sát phòng trừ Bọ phấn trắng, Bọ trĩ là môi giới truyền bệnh virus cho Dưa lưới khi cây sắp trồng.

5. Chuẩn bị giá thể trồng

Giá thể tương tự như giá thể ươm cây con nhưng tỷ lệ thay đổi là hỗn hợp giá thể phân trùn quế + đất phù sa (đất sạch) + than bùn, trấu hun theo tỷ lệ 20% phân trùn quế + 40% đất phù sa (đất sạch) + 40% than bùn, trấu hun (Kết quả nghiên cứu về giá thể).

Giá thể phải đảm bảo độ sạch (không nhiễm sâu bệnh hại, vi sinh vật, cỏ dại), độ thông thoáng, không ép chặt và đồng thời cung cấp dinh dưỡng cho cây.

Giá thể sau khi xử lý được cho vào các Túi PE (1 mặt trắng, 1 mặt đen, kích thước là 17x33cm hoặc 20x40cm).

Lưu ý: Giá thể trồng được phân tích đánh giá nguy cơ ô nhiễm kim loại nặng và vi sinh vật gây hại. Giá thể phải được trộn đều bằng máy trộn chuyên dụng, để đảm bảo tỷ lệ phối trộn đều trước khi đem ra trồng.

6. Chuẩn bị hệ thống tưới nhỏ giọt

Kiểu lắp đặt và bố trí hệ thống tưới: trang thiết bị tối thiểu cho một hệ thống tưới nhỏ giọt cần có: bể chứa dung dịch dinh dưỡng, máy bơm, hệ thống dây dẫn dinh dưỡng, ống PVC, bộ lọc và bộ định giờ (timer và van từ).

Kiểu trồng bằng Túi PE: Sử dụng loại dây tưới nhỏ giọt với chiều dài dây tưới là 60cm, đường kính 4mm; dây tưới này được cắm trực tiếp vào đường ống dẫn dinh dưỡng theo hàng với đường kính ống là ø16 (16mm). Bố trí mỗi hàng là 1 đường dây dẫn, mỗi Túi PE cắm 1 dây tưới nhỏ giọt nên số lượng dây tưới tương đương với số lượng Túi PE.

7. Cây giống và mật độ trồng

Khoảng cách trồng: Tùy theo cách trồng bằng Túi PE mà bố trí khoảng cách phù hợp:

+ Trồng cây bằng Túi PE với kích thước Túi PE 17x33cm, 20x40cm (chưa bung bao); Túi PE màu trắng và đục lỗ ở dưới đáy túi; trồng 1 cây/túi PE và trồng theo hàng đơn hoặc đôi, khoảng cách giữa 2 cây trên một hàng là 40cm; khoảng cách giữa 2 hàng đơn là 1,2m; khoảng cách giữa 2 hàng đôi (hàng cách hàng 40cm) là 1,6m.

+ Mật độ: Tùy theo mùa vụ mà bố trí mật độ phù hợp, vào những tháng mưa nhiều ánh sáng yếu, thường gây nên hiện tượng tạo lưới không đều và nứt quả.

  • Mật độ: mùa khô: 2.700 – 000 cây/1.000m2
  • Mùa mưa: 2.500 – 2.700 cây/1.000 m2

Thời điểm trồng: trồng vào lúc trời mát là tốt nhất và chọn cây phải đồng đều, cây khỏe mạnh, xanh tốt, không sâu bệnh hại.

8. Chế độ dinh dưỡng

8.1. Lượng dinh dưỡng theo từng giai đoạn

          – Dung dịch dinh dưỡng và nước tưới được cung cấp đồng thời thông qua hệ thống tưới nhỏ giọt. Dựa vào nhu cầu dinh dưỡng và giai đoạn sinh trưởng của cây để xác định nồng độ dung dịch tưới phù hợp. Cụ thể liều lượng các chất dinh dưỡng (g/1.000 lít nước) được sử dụng như sau:

Bảng 3: Lượng dinh dưỡng theo từng giai đoạn cho dưa lưới, dưa lê trồng giá thể trong nhà màng

Phân bón

Định mức phân bón pha trong tank 1000L(kg) LƯỢNG HÚT DUNG DỊCH MẸ (Lít)/1000 LÍT NƯỚC CHO MỖI GIAI ĐOẠNDƯA LƯỚI, DƯA LÊ TRỒNG GIÁ THỂ TRONG NHÀ KÍNH NHÀ MÀNG

Tưới đệm

1-14

ngày

Tỉa nhánh

Ra hoa

Hình thành quả

Tạo lưới/

nuôi trái

Chín

Thu hoạch (trước 10 ngày)

Mg(NO3)2 125 4.2 4.2 6.0 4.0 5.0 4.0 2.0 0.0
MKP 35 4.0 4.0 4.0 5.0 5.0 6.0 7.0 4.0
K2SO4 50 4.0 4.0 4.0 5.0 5.0 6.0 7.0 4.0
MgSO4.7H2O 30 3.0 3.0 4.0 4.0 6.0 6.0 6.0 3.0
MAP 125 4.2 4.2 6.0 4.0 5.0 4.0 0.0 0.0
NPK 3-11-38 30 0.0 0.0 0.0 4.0 5.0 4.0 0.0 0.0
NPK 15-5-20 30 3.0 3.0 4.0 4.0 6.0 6.0 0.0 0.0
KNO3 50 4.2 4.2 6.0 4.0 5.0 4.0 2.0 0.0
Ca(NO3)2 150 4.2 4.2 6.0 4.0 5.0 4.0 2.0 0.0
Multi Micro Comb 4 3.0 3.0 4.0 4.0 6.0 6.0 6.0 3.0
Multi Micro Fe-EDTA 4 3.0 3.0 4.0 4.0 6.0 6.0 6.0 3.0
EC   1-1.5 1.2-1.5 1.4-1.5 1.6-2 1.8-2 2-2.2 2.0 1.8
pH   5.5-6.5 5.5-6.5 5.5-6.5 5.5-6.5 5.5-6.5 5.5-6.5 5.5-6.5 5.5-6.5
Lưu ý: lượng hút dung dịch mẹ có thể dao động tùy thuộc vào tình hình sinh trưởng thực tế của cây trồng và kết quả đo EC, pH ở từng giai đoạn sinh trưởng.

Ghi chú:

Bổ sung phân bón lá như Canxi-bo vào giai đoạn khi cây bắt đầu có hoa được và  phân cá vào giai đoạn nuôi trái (theo hướng dẫn của nhà khuyến cáo).   

– Công thức dinh dưỡng này cần phải tiếp tục căn chỉnh lại trong quá trình sản xuất tại cơ sở (khoảng 10-15% trên tổng Khối lượng đang sử dụng). Khi lượng N;P;K còn thấp và chưa phù hợp, quả sẽ không căng, bóng và ngọt.

– Lượng phân bón pha trong tank 1000 lít có thể thay đổi tùy thuộc vào tình hình sinh trưởng thực tế của cây trồng và kết quả đo EC, pH ở từng giai đoạn sinh trưởng. Nếu farm sử dụng tank có thể tích nhỏ hơn thì tính lượng phân pha theo tỷ lệ tương ứng. Có thể sử dụng loại phân bón tương tự trong danh mục phân bón được ưu tiên sử dụng cho sản xuất trong nhà màng bằng công nghệ tưới tự động để thay thế những loại phân bón nêu trên.

– Đọc kỹ cách pha phân dùng cho hệ thống tưới, để đảm bảo phân tan hết và không bị kết tủa do phản ứng khi đấu trộn.

9. Chế độ tưới nước cho dưa theo từng giai đoạn

Chế độ tưới cho Dưa lưới được thực hiện như sau:

Bảng 5: Chế độ tưới cho dưa theo từng giai đoạn

TT Giai đoạn Số ngày/giai đoạn Lượng nước (m3/ngày) dự kiến Ghi chú
1 Tưới đệm trước khi trồng 2 60 Tưới đệm trước trồng khoảng 1-2 ngày
2 1-14 ngày sau trồng 14 6 đến 10 Tùy thuộc vào kết quả đo EC, pH, lượng nước thoát ra và tình hình sinh trưởng phát triển, hiện trạng…để điều chỉnh lượng nước tưới/ngày, lượng phân sử dụng, thời gian tưới/lần, số lần tưới/ngày. Tưới nên bắt đầu khi thấy mặt trời bắt đầu lên và kết thúc trước 15h. Vào lúc thời tiết ổn định thì được cài chạy theo chương trình tự động. Đối với giai đoạn thời tiết mưa nắng xen kẽ thì sẽ được tưới bằng tay và kiểm tra EC, pH, lượng thoát theo ngày.
3 15-22 ngày sau trồng 7 20 đến 30
4 Thụ phấn 5 đến 7 30 đến 35
5 Hình thành quả 5 đến 7 35 đến 40
6 Phát triển và Tạo lưới quả 10 đến 15 35 đến 40
7 Tạo ngọt (Chín) 12 đến 15 40 đến 45
8 Thu hoạch 7 đến 10 10   ến 15

10. Chăm sóc: Bao gồm các bước cơ bản sau:

Bước 1: Cố định gốc

Sau trồng 4-7 ngày (tương ứng với cây cao khoảng 20cm), cố định cây dưa vào dây treo để tránh bị đổ ngã. Cây ra được 4-5 lá thật và bắt đầu bước vào giai đoạn trải lá bàng, cuối giai đoạn này cây bắt đầu ra chồi nách.

Bước 2: Quấn ngọn

Thường xuyên 1 hoặc 2 ngày (tùy thời tiết và tình hình sinh trưởng của cây) cho quấn ngọn dưa vào dây để đảm bảo cây phát triển theo chiều thẳng đứng. Lưu ý: khi cuốn ngọn không được làm gãy ngọn, hoa và lá. Không để dây cuốn kẹp vào lá và hoa.

Bước 1: Cố định gốc-quấn dây đầu tiên sau trồng

Bước 2: Quấn ngọn thường xuyên 1 hoặc 2 ngày để đảm bảo cây lên thẳng đứng.

Bước 3: Tỉa nhánh

Tỉa hết nhánh từ vị trí đốt số 1 đến đốt số 8, Từ đốt số 9 -15 là sẽ dưỡng và để trái. Cứ 3-4 ngày thường xuyên tỉa bỏ nhánh mọc ra từ nách lá, để tập trung dinh dưỡng nuôi trái. Nhánh dưỡng mang trái tỉa sớm chỉ để lại 2 lá thật đầu tiên để nuôi trái.

Chú ý thao tác tỉa nhánh phải tiến hành tập trung để phun thuốc nấm liền sau khi cắt tỉa tránh nấm thối thân lây lan, phát triển đặc biệt là mùa mưa và thời tiết âm u.

Bước 4: Thụ phấn

Hoa đực nằm trên thân chính, trong khi hoa cái nằm trên các nhánh. Do đó, dưa lê và dưa lưới phải được thụ phấn để tạo quả.

Có 2 cách thụ phấn: thụ phấn bằng ong hoặc bằng tay.

     * Cách 1: Thụ phấn bằng ong: sử dụng ong mật để thụ phấn, lượng ong thả vào vườn 1.000m2 là 2 tổ, mỗi tổ 4 cầu. Bắt đầu thả ong khi hoa cái đầu tiên xuất hiện. Chọn thời điểm di chuyển ong (buổi tối) và thả ong (buối sáng) để đảm bảo đàn ong hoạt động hiệu quả. Để thùng ong trong nhà khoảng 7-10 ngày sau đó di chuyển đàn ong ra khỏi nhà và nuôi dưỡng để phục vụ cho vụ tiếp theo. Nếu hiệu quả thụ phấn chưa đạt (hoa cái chưa tiếp nhận phấn) à chưa đậu quả) thì cần tiếp tục thả ong để thụ phấn bổ sung.

     * Cách 2: Thụ phấn bằng thủ công: do con người thực hiện.

Thụ phấn bằng tay: thời gian thực hiện thụ phấn tốt nhất từ 6-9h. Việc thụ phấn phải được thực hiện tỉ mỉ và cẩn thận để đảm bảo năng suất và chất lượng quả.

Các lưu ý khi thực hiện thụ phấn bằng tay: Chỉ thụ phấn trên hoa ở nhánh thuộc lá thứ 9 đến 12 hoặc13 (tỉa bỏ toàn bộ các nhánh còn lại). Khi quả hình thành, lựa chọn 1 quả tốt nhất (không cong vẹo, sâu bệnh, dập nát) để dưỡng trái. Trong trường hợp, không thể để quả ở tầng lá 9 đến 12 do hiệu quả thụ phấn thấp thì có thể thụ phấn bổ sung bằng tay để tạo quả ở tầng lá 13 đến 15 để đảm bảo năng suất.

Bước 5: Cắt ngọn và tỉa cành mang trái

Khi cây có đủ số lá (23-25 lá) thì cắt bỏ ngọn để tập trung dinh dưỡng nuôi trái

Cành mang trái chỉ để lại 2 lá và tỉa bỏ phần ngọn (tỉa sớm để cây tập trung nuôi hoa cái và trái sau thụ phấn)

Xử lý dụng cụ cắt tỉa bằng cồn 70% hoặc dung dịch chlorine 2%

– Tỉa quả: sau khi cây đậu quả, quả có đường kính trên 2cm thì tiến hành tỉa quả, chỉ để lại 01 quả trên cây, còn các quả còn lại tỉa bỏ hết nhằm tập trung dinh dưỡng nuôi quả.

          – Vị trí để quả: để quả từ nách lá thứ 10 đến nách lá thứ 15.

          – Bấm đọt thân chính: sau khi cây được 25 lá thì tiến hành bấm ngọn than chính để tập trung dinh dưỡng nuôi quả.

Lưu ý: Cần dụng cụ treo trái để để đảm bảo trái không bị gãy, đứt khỏi cuống. Thực hiện treo trái vào khoảng 5-7 ngày sau khi tỉa chọn trái. Đường kính quả khoảng 7-10cm là thời điểm thích hợp nhất để treo trái.

11. Phòng trừ sâu bệnh hại

a) Bọ trĩ (Thrips palmi Karny) và bọ phấn (Bemisia tabaci)

   + Có thể sử dụng vôi bột để rắc với lượng 50-70kg/1000-1500m2, và một số loại thuốc chuyên dụng rửa vườn như nano đồng để khử trùng toàn bộ nhà và đất trước khi trồng dưa.

   + Đảm bảo đủ thời gian cách ly và xử lý nhà, đất trước khi trồng (tối thiểu 12-15 ngày).

   + Bón phân cân đối đầy đủ cho dưa và bổ sung phân chứa canxi, silic để thân lá dưa được dày và cứng chắc từ đó làm tăng tính chống chịu của cây đối với bọ phấn.

   + Nếu bọ phấn, bọ trĩ xuất hiện với mật độ thấp có thể sử dụng bẫy dính màu vàng để bẫy.

   + Khi mật độ bọ phấn, bọ trĩ cao, hoặc bị gây hại vào thời kỳ quan trọng (cây chuẩn bị ra hoa, hoặc đang nuôi quả nhỏ) thì cần tiến hành các biện pháp như sau:

          * Cắt tỉa lá chân (có thể cắt làm hai lần, lần một cắt 3-4 lá sau đó lần hai cắt tiếp 3-4 lá nữa), nếu chồi dài quá ta có thể tiến hành bấm ngọn chồi để tạo độ thông thoáng cho vườn.

          * Tiến hành nhổ sạch cỏ dại có trên vườn và xung quanh (vì đây là nơi trú ngụ của bọ phấn, bọ trĩ).

          * Sau khi cắt tỉa lá chân và làm sạch cỏ sử dụng thuốc có hoạt chất Abamectin + Radiant 60SC + Bám dính; Radiant 60SC + dầu neem; thuốc có hoạt chất Abamectin +Bio plus + bám dính phun tập trung ở mặt dưới lá và phun hai ngày liên tục để tiêu diệt bọ phấn. Lưu ý phun theo đúng liều lượng khuyến cáo trên bao bì và phun vào chiều mát hoặc sáng sớm để tăng hiệu quả của thuốc          .

b) Bệnh héo cây con và bệnh chạy dây, héo rũ, bệnh phấn trắng và bệnh sương mai giả:

– Biện pháp phòng trừ: 

          + Vệ sinh nhà màng, thu dọn tàn dư cây trồng trước khi trồng.

          + Bố trí mật độ trồng hợp lý để đảm bảo ánh sáng và độ thông thoáng bên trong nhà màng khi cây giao tán.

          + Bón phân cân đối N-P-K.

+ Có thể dung một số loại thuốc BVTV để phun trừ khi bệnh chớm xuất hiện và gặp điều kiện thời tiết thuận lợi cho sự phát sinh gây hại của bệnh: Aliette 800WG (Fosetyl Aluminium), Ridomil Gold 60WP (Metalaxyl M + Mancozeb) và sản phẩm sinh học Nano Bạc đồng+Nano đồng Oxyclorua.….

c) Bệnh nứt thân chảy nhựa(do nấm Mycosphaerella melonis)

– Bệnh gây hại chủ yếu trên thân, đôi khi trên lá và cuống quả. Trên thân vết bệnh lúc đầu là đốm hình bầu dục, màu xám trắng, kích thước 1-2 cm, vết bệnh hơi lõm, làm khuyết một bên thân hay nhánh. Trên vùng bệnh, nhựa màu nâu đỏ ứa ra thành giọt, sau đổi thành màu nâu sẫm và khô cứng lại. Bệnh nặng làm thân cây bị nứt thành vệt dài và chảy nhựa nhiều hơn, trên đó có những hạt nhỏ màu đen (các ổ bào tử nấm) làm cả cây có thể bị khô chết.

– Trên lá, đốm bệnh không đều đặn và lan rộng dần, có màu nâu xám nhạt. Bệnh thường xuất hiện từ bìa lá lan vào theo những mảng hình vòng cung, trên đó có các ổ bào tử màu đen, lá bị cháy, khô rụng. Trên cuống quả, triệu chứng bệnh giống như trên thân, có thể nứt và chảy nhựa, quả nhỏ hoặc bị rụng sớm. Thời tiết nóng và mưa nhiều thích hợp cho bệnh phát triển.

– Biện pháp phòng trừ: 

     + Thu dọn tàn dư cây trồng; bón phân đạm vừa đủ.

   + Phun ướt đẫm cây dưa và gốc hoặc quét trục tiếp bằng các loại thuốc: Dithane M45 80WP (Mancozeb); Manozeb 80WP (Mancozeb), Topsin-M 70WP (Thiophanate methyl), Aliette 800WG (Fosetyl Aluminium), Ridomil Gold 60WP (Metalaxyl M + Mancozeb), Antracol 70wp (Propineb) và sản phẩm sinh học Nano Bạc đồng+Nano đồng Oxyclorua.…

d) Bệnh thối thân

– Nguyên nhân phát sinh: Thường gặp ở dưa lưới chủ yếu có nguyên nhân từ các loại nấm bệnh có trong đất, hạt giống và nguồn nước tưới. Loại nấm Thielaviopsis, Fusarium solani f.s. phaseoli, Rhizoctonia solani Kuhn và Pythium spp,… thường gây ra bệnh thối thân bằng cơ chế ký sinh và phá vỡ kết cấu, hệ miễn dịch của thân cây.

– Điều kiện phát sinh, gây hại:

   + Bệnh này thường phát triển mạnh trong điều kiện độ ẩm cao, nhiệt độ thấp, mưa nhiều hoặc thời tiết quá nóng và quá lạnh.

   + Bệnh thường xuất hiện và gây hại trên cây dưa lưới từ giai đoạn đậu và tỉa quả, chọn quả xong. Đặc biệt gây hại nặng ở giai đoạn quả lên vân lưới.

   + Ở giai đoạn đầu của bệnh thối thân phần gốc của cây dưa lưới bắt đầu xuất hiện các chấm trắng, đỏ hoặc đen. Sau đó chúng lan rộng ra toàn bộ phần thân cây, đặc biệt là cổ rễ và gốc khiến cây bị héo rũ do phần thân bị hỏng không cung cấp đủ dưỡng chất và nước.

   + Bệnh thối thân, thối gốc lan truyền và tốc độ chuyển bệnh khá nhanh, thường chỉ trong vòng 1-2 tuần nếu không được xử lý kịp thời có thể để lại hậu quả như: Làm chết toàn bộ cây, hạn chế khả năng ra hoa kết trái của cây, chất lượng quả không đạt kích thước và độ ngọt do thiếu dinh dưỡng.

   + Nếu gặp điều kiện mưa ẩm sau đó nắng to thì cây sẽ bị chết rất nhanh trong vòng một ngày.

Biện pháp phòng trị:

– Biện pháp canh tác:

   + Xử lý kỹ đất hoặc giá thể trước khi trồng cây bằng vôi bột 70-100kg/1000m2 và các loại thuốc trừ nấm bệnh thông thường khác.

   + Trồng dưa vào mùa vụ thích hợp, trồng với mật độ hợp lí tránh trồng quá dầy. Nếu đất đã bị nhiễm bệnh nặng cần được luân canh với cây trồng khác họ trong khoảng 1-2 năm để hạn chế nguồn bệnh.

   + Chọn giống có khả năng chống chịu với nấm bệnh.

   + Khơi thông hệ thống tiêu, thoát nước trong vườn để hạn chế tình trạng nước đọng khi trời mưa to.

   + Duy trì đủ ẩm cho vườn cây, tránh tình trạng tưới quá nhiều nước.

   + Trồng cây với mật độ vừa phải để đảm bảo độ thông thoáng cho vườn cây (mùa nắng trồng dầy, mùa mưa trồng thưa).

   + Khi tỉa lá chân và tỉa chèo cần lưu ý như sau:

      * Mùa nắng tỉa toàn bộ phiến lá chừa lại cuống lá.

      * Mùa mưa ẩm độ cao tỉa lá chân theo kiểu lá nhện (trên mỗi lá để lại một ít phần thịt và phiến lá) để lá không bị khô và thối.

      * Không tỉa lá chân và tỉa chèo sát vào thân cây.

   + Bón phân cân đối (đặc biệt là đạm và kali) từ đó giúp cây tăng khả năng chống chịu với nấm bệnh gây hại.

– Biện pháp sinh học:

   + Thường xuyên kiểm tra vườn để phát hiện sớm vết bệnh (đặc biệt là từ giai đoạn tỉa quả, chọn quả xong đến giai đoạn quả lên vân lưới). Đây là giai đoạn mẫn cảm nhất với bệnh.

   + Khi phát hiện cây bị bệnh cần tiến hành dùng Nano Bạc đồng+Nano đồng Oxyclorua quét đậm đặc trực tiếp lên vết bệnh 2-3 lần cho khô. Lưu ý, quét Nano Bạc đồng trước, sau đó quét Nano đồng Oxyclorua sau. Thường xuyên kiểm tra vườn nếu gặp độ ẩm cao thì vết bệnh sẽ ướt trở lại do đó cần tiếp tục quét.

   + Ngay sau khi tỉa lá chân và tỉa quả, chọn quả xong tiến hành dùng Nano bạc đồng+Nano đồng Oxyclorua phun đều lên toàn bộ cây để phòng ngừa các loại nấm khuẩn xâm nhập vào vết thương cơ giới do việc cắt tỉa tạo ra.

   + Định kỳ 7-10 ngày dùng bộ đôi Nano Bạc đồng+Nano đồng Oxyclorua phun phòng một lần.

   + Để phòng bệnh dùng bộ ba Trichoderma Bacillus, EM Root, EM HLC chạy gốc định kỳ 15-20 ngày/lần.

   + Để tăng khả năng chống chịu của cây, sử dụng Nano Silic phun hoặc tưới gốc để giúp cho thành vách tế bào dầy, cây khỏe và tăng cường dẫn truyền các chất dinh dưỡng được tốt hơn.

8. Thu hoạch

Tiêu chí xác định độ chín, độ ngọt: khi thấy lưới tạo đều và phần cuống quả đã xuất hiện lưới kết hợp chuyển màu hơi vàng là thời điểm thu hoạch thích hợp (tương đương khoảng 40-50 ngày sau thụ phấn) hay độ ngọt (độ Brix) đạt 12% trở lên là thời điểm có thể thu quả.

Khuyến cáo: Tránh thu hoạch vào thời điểm nắng nóng (>32 độ C) trong ngày. Sử dụng kéo đã tẩy trùng để thu hoạch dưa. Tránh để trái dưới ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp. Loại bỏ và tiêu hủy những trái bị thối, bệnh ra khỏi nhà kính nhà màng để ngăn chặn nguồn bệnh lây lan sang vụ tiếp theo./.

Thạc sĩ: Võ Thị Bích Chi

Trung tâm Khuyến nông Khánh Hòa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.