KỸ THUẬT TRỒNG DƯA LƯỚI TRONG NHÀ MÀNG THEO TIÊU CHUẨN VIETGAP

Để có những sản phẩm an toàn đến tay người tiêu dùng, đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao là xu hướng tất yếu trong giai đoạn hiện nay. Dưa lưới là một trong những đối tượng nông sản có giá trị kinh tế cao mà người nông dân có thể tiếp cận kỹ thuật sản xuất và dần làm chủ công nghệ trong những năm sắp tới. Để có thể sản xuất dưa lưới một cách hiệu quả, người nông dân cần tuân thủ theo quy trình trồng và đáp ứng các điều kiện về nhà màng, hệ thống tưới nhỏ giọt cung cấp chất dinh dưỡng cần thiết cho cây. Sau đây là hệ thống thiết kế nhà màng và quy trình trồng dưa lưới trong nhà màng đã triển khai tại Trại thực nghiệm giống cây trồng Suối Dầu.

1. Hệ thống thiết kế nhà màng và hệ thống tưới nhỏ giọt

Nhà màng và hệ thống tưới nhỏ giọt cung cấp chất dinh dưỡng cho cây dưa lưới là một trong những yếu tố tiếu thiểu cần thiết để thực hiện mô hình công nghệ cao này. Một số quy cách nhà màng, hệ thống tưới phổ biến hiện nay.

1.1. Nhà màng

Nhà màng cơ bản với cánh thông gió cố định một bên hoặc hai bên, với chiều cao tùy theo vùng địa lý, tiểu khí hậu địa phương. Đối với tỉnh Khánh Hòa, nhà màng với chiều cao máng xối tối thiểu trên 4 m, chiều cao đến đỉnh đón gió không quá 8,5m, được phủ màng PE với độ dày từ 150 – 180 µm. Xung quanh nhà được bao kín bằng lưới chống côn trùng quy cách 50 – 70 mesh.

1.2. Hệ thống tưới nhỏ giọt

Hệ thống tưới nhỏ giọt phổ biến hiện nay là hệ thống tưới nhỏ giọt không hồi lưu, cung cấp chính xác lượng nước tưới và dung dịch dinh dưỡng cho cây với số lần tưới được cài đặt thông qua hệ thống điều khiển trung tâm.

2. Thời vụ trồng

Dưa lưới có thể trồng quanh năm, thời gian sinh trưởng của cây có thể biến động theo mùa:

– Vụ Xuân Hè, Hè Thu: 60 -75 ngày.

– Vụ Thu Đông, Đông Xuân: 75 – 85 ngày.

3. Giống dưa lưới

Hiện nay, có rất nhiều giống dưa lưới được phân phối tại Việt Nam, tùy theo điều kiện và nhu cầu của thị trường có thể chọn giống có hình dạng, chất lượng phù hợp. Một số giống tiêu biểu có thể kể đến như:

Giống Đặc điểm giống Nguồn gốc
Orenji Trái tròn, ruột cam, vân nổi đẹp, trọng lượng 2 – 3 kg, độ Brix 12 – 13 Nhật Bản
Taki Trái tròn, ruột cam, vân nổi đẹp, trong lượng 1,2 – 1,5 kg, độ Brix 13 – 14 Nhật Bản
TL3 Trái tròn, ruột cam đậm, vân ít, trọng lượng 1,5 – 1.8 kg, độ Brix 14 – 16 Thái Lan
AB Sweet Gold Trái bầu, ruột cam, vân tương đối, trọng lượng 1,5 – 2,5 kg, độ Brix 13 – 15, rất giòn Thái Lan
Nagami Trái tròn, vân đẹp, ruột vàng đậm, trọng lượng 1,5 – 2,5 kg, độ Brix 13 – 14 Nhật Bản

4. Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây dưa lưới

4.1. Gieo hạt và chăm sóc cây

Sử dụng khay ươm cây để gieo hạt. Khay ươm thường làm bằng vật liệu mút xốp, có kích thước dài 50 cm, rộng 35 cm, cao 5 cm (có 50 lỗ/khay). Sử dụng mụn xơ dừa, tro trấu và phân trùn quế để làm giá thể gieo hạt với tỷ lệ 70% mụn xơ dừa + 20% phân trùn quế + 10% tro trấu.

Giá thể được cho vào đầy lỗ mặt khay ươm cây con, sau đó tiến hành gieo 1 hạt/lỗ (hạt là hạt khô không cần ủ). Hằng ngày tưới nước giữ ẩm đảm bảo cho hạt nảy mầm đồng đều, khay ươm được đặt trong nhà ươm có che mưa và lưới chắn côn trùng. Khi hạt nảy mầm và xuất hiện lá thật thứ nhất, tiến hành phun phân bón lá Growmore 30-10-10 với  nồng độ là 1 g/lít nước để cung cấp dinh dưỡng cho cây con. Sau khi gieo từ 10 – 15 ngày (cây đã được 2 lá thật) thì đem trồng.

4.2. Mật độ trồng

 Cây cách cây 0,3 – 0,4 m, hàng cách hàng 1 m. Mật độ trồng: 2.500 – 3.000 cây/1.000 m2.

4.3. Cách trồng

Giá thể trồng theo tỷ lệ 70% mụn xơ dừa + 20% phân trùn quế + 10% tro trấu. Giá thể phải đảm bảo độ sạch (không nhiễm sâu bệnh hại, vi sinh vật, cỏ dại), độ thông thoáng, không dí chặt và đồng thời cung cấp dinh dưỡng cho cây.

Mụn xơ dừa phải xử lý chất chát (tanin) trước khi trồng. Xử lý bằng cách ngâm và xả, thời gian xử lý là 7 – 10 ngày thì đem trồng được.

Phân trùn quế phải được xử lý nấm bệnh chế bởi chế phẩm Tricoderma bằng cách dùng 500 gr Tricoderma pha với 150 – 200 lít nước cho 5 – 6 khối phân trùn quế rồi tưới hoặc phun xịt đều dung dịch pha lên đống giá thể ủ. Phủ bạt nilon để giữ ẩm và giữ nhiệt từ 10 – 15 ngày. Định kỳ đảo trộn để đảm bảo bào tử phân tán đều và cung cấp oxy.

Cho giá thể vào bầu nên cách miệng bầu từ 5 – 7 cm để tiện cho quá trình bổ sung giá thể vô gốc dưa lưới 10 ngày sau trồng. Chọn các cây 1 – 2 lá thật, khỏe mạnh để trồng 1 cây/bầu. Thời gian trồng vào buổi chiều mát.

4.4. Chế độ dinh dưỡng

Nưới tưới: sử dụng nguồn nước sạch, pH nước tốt nhất từ 6.0 – 7.0. Có thể sử dụng nước giếng khoan hay nước sông không nhiễm mặn, phèn, kim loại nặng và vi sinh vật gây hại.

Chế độ dinh dưỡng là yếu tố rất quan trọng đối với cây trồng trên giá thể trong nhà màng. Đây là quy trình trồng trên giá thể nên các yếu tố đa – vi lượng phải cung cấp đầy đủ, kịp thời và theo từng giai đoạn sinh trưởng phát triển của cây.

Loại phân bón sử dụng: Các phân như NPK (15-5-20), NPK (0-11-38), KNO3, K2SO4, Mg(NO3)2, Ca(NO3)2 thường được hòa tan vào nước thành dung dịch dinh dưỡng tưới cây. Trong các loại phân này phải đảm bảo chứa đủ các nguyên tố cần thiết cho quá trình sinh trưởng và phát triển của cây. Đó chính là K, N, P, S, Ca, Mg. Đa số các loại phân bón này là phân vô cơ, dễ tan trong nước, chúng thường ở dạng rắn (dễ bảo quản hơn so với phân dạng lỏng).

Dung dịch dinh dưỡng và nước tưới được cung cấp đồng thời thông qua hệ thống tuới nhỏ giọt. Dựa vào nhu cầu dinh dưỡng và giai đoạn sinh trưởng của cây để xác định nồng độ dung dịch tưới phù hợp. Cụ thể liều lượng các chất dinh dưỡng được sử dụng như sau:

* Giai đoạn 1,2

Bồn A (120 lít nước)

TT Tên phân bón Kg/1000 cây Lượng phân bón/lần pha Số lần pha Tổng lượng phân bón
1 NPK 15-5-20 Kg 5 2 10
2 NPK 3-11-38 Kg 2,5 2 5
3 Magie nitrat Kg 1,5 2 3
4 MKP Kg 1,5 2 5

Bồn B (120 lít nước)

TT Tên phân bón Kg/1000 cây Lượng phân bón/lần pha Số lần pha Tổng lượng phân bón
1 Canxi nitrat Kg 5 2 10
2 Magie nitrat Kg 1 2 2

Bồn C (500 lít): bồn chứa nước

* Giai đoạn 3,4

Bồn A (120 lít nước)

TT Tên phân bón Kg/1000 cây Lượng phân bón/lần pha Số lần pha Tổng lượng phân bón
1 NPK 3-11-38 Kg 5 2 10
2 Magie nitrat Kg 1,5 2 3
3 MKP Kg 2,5 2 5
4 Kali Kg 10 2 20

Bồn B (120 lít nước)

TT Tên phân bón Kg/1000 cây Lượng phân bón/lần pha Số lần pha Tổng lượng phân bón
1 Canxi nitrat Kg 5 2 10
2 Magie nitrat Kg 1 2 2

Bồn C (500 lít): bồn chứa nước

– Tưới nước và phân bón: Tưới phân và nước thông qua hệ thống tưới nhỏ giọt, bao gồm 3 bồn: Bồn A, B chứa phân và bồn C chứa nước.

Giai đoạn 1: Từ khi trồng đến 14 ngày sau trồng (NST). Tưới phân của giai đoạn 1.

+ Từ 1 – 5 NST: cây có 1 – 4 lá, tưới phân 1 lần/ngày lúc 8h, thời gian tưới là 5 phút. Không cần tưới nước.

+ Từ 6 – 10 NST: cây có 5 – 8 lá, tưới phân 1 lần/ngày lúc 8h, thời gian tưới là 5 phút. Tưới nước 1 lần/ngày lúc 16h, thời gian tưới là 5 phút.

+ Từ 11 – 14 NST: cây có 8 – 10 lá, tưới phân 2 lần/ngày lúc 8h và 16h, thời gian tưới là 5 phút/lần. Tưới nước 1 lần/ngày lúc 11h, thời gian tưới là 5 phút.

Giai đoạn 2: Từ 15 NST – ra hoa (khoảng 15 ngày).

+ Tưới phân 2 lần/ngày lúc 8h và 16h, thời gian tưới phụ thuộc vào số lá trên cây, dao động từ 7 – 15 phút/lần.

+ Tưới nước 2 – 4 lần/ngày lúc 9h30, 11h30, 13h30, 14h30 tùy vào số lượng lá của cây và nhiệt độ bên ngoài. Duy trì lượng nước buổi trưa sao cho cây không héo.

Giai đoạn 3: Từ khi tiến hành thụ phấn – tạo lưới (khoảng 15 – 20 ngày). Tưới phân của giai đoạn 3.

+ Tưới phân 3 lần/ngày:  lúc 8h – 15 phút, lúc 9h30 – 7 phút, lúc 16h – 15 phút.

+ Tưới nước 3 lần/ngày lúc 11h30, 13h30, 14h30. Luôn duy trì lượng nước vừa đủ cho cây không héo.

Giai đoạn 4: Từ khi tạo lưới – chín (khoảng 10 – 15 ngày). Tưới phân theo giai đoạn 4.

+ Từ 50 – 55 NST: tưới phân 1 lần/ngày lúc 8h, thời gian tưới là 5 phút. Tưới nước 4 lần/ngày lúc 9h30, 11h30, 13h30, 14h30. Luôn duy trì lượng nước vừa đủ cho cây không héo.

+ Từ 56 NST- chín: không tưới phân. Tưới nước 4 lần/ngày, lúc 8h, 9h30, 11h30, 14h. Sau đó, giảm lượng nước từ từ bằng cách giảm thời gian của mỗi lần tưới, cây có thể bị héo nhẹ vào buổi trưa.

Lưu ý:

+ Giai đoạn từ cây ra được 2 lá thật đến lúc trước khi bắt đầu thụ trái ngoài tưới phân qua hệ thống nhỏ giọt có thể phun thêm phân bón lá cho cây, 1 tuần/lần. Tùy thuộc vào từng giai đoạn mà sử dụng phân cho phù hợp, các loại phân NPK 16-16-8, rong biển, phân cá, Canxi-Bo.

+ Phun thêm Bortrac lúc nách lá thứ 8 được 5 cm và phun lại lần thứ hai 5 ngày sau đó để tăng khả năng đậu trái.

4.5. Chăm sóc

Quấn dây và cắt tỉa chồi nhánh

+ Khi cây được 6 lá bắt đầu quấn dây theo định kỳ 2 ngày/lần, phải đảm bảo mỗi đốt thân đều được quấn một vòng dây. Cắt bỏ 2 lá mầm và 2 lá gần đất nhất để hạn chế nhiễm bệnh. Cắt bỏ tất cả chồi nhánh bên cấp 1 từ lá thứ 1 đến lá thứ 7.

+ Sau khi cây đậu trái tiến hành cắt bỏ các chồi nhánh bên và khi trái đạt 3-4 cm tiến hành bấm ngọn cây, mỗi cây để lại 23 – 26 lá. Cắt bỏ tất cả chèo bên trên trái, chỉ còn lại thân chính.

       – Thụ phấn

+ Quá trình thụ phấn bắt đầu từ khi hoa cái ở nách lá thứ 8 trở lên. Thụ phấn ở nách lá thứ 10 – 12 sẽ cho năng suất cao nhất.

+ Cách thụ phấn: Dùng hoa đực ở trên cao nhất thụ phấn cho hoa cái bên dưới. Thời gian thụ phấn tốt nhất từ 7 – 10h.

+ Quá trình thụ phấn có thể diễn ra từ 3 – 7 ngày, cho tới khi một cây có tối thiểu 2 trái bằng trứng gà mới dừng lại. Lúc này có thể tiến hành tuyển chọn trái. Mỗi cây để lại 1 trái, tuyển chọn trái tròn đều, cân đối, cành mang trái mâp, cắt ngọn cành mang trái, để lại một lá sau trái.

– Lưu ý:

+ Trước khi tiến hành thụ phấn 2 ngày phải phun ngừa bọ trĩ và bệnh.

+ Phun bổ sung dưỡng trái bằng phân bón lá BC 280 30 ml/l + 20-20-20 2 g/l lúc trái to 3 – 4 cm và phun lại lần 2 cách đó 5 ngày.

+ Khi trái đã tạo lưới đầy đủ (khoảng 20 ngày sau khi thụ phấn) phun trái bằng 15-5-20 2 g/l.

4.6. Thu hoạch

Khi dưa lưới có một số dấu hiệu chín:

– Móc tua gần cuống bị héo.

– Lá gần cuống vàng rồi héo khô.

– Phần cuống tiếp xúc với trái xuất hiện nhiều vết nứt và chuyển sang vàng.

– Xuất hiện vòng xanh đậm khu vực vỏ gần cuống.

Theo dõi độ Brix hằng ngày khi bắt đầu có những dấu hiệu trên. Khi độ Brix đạt 120 trở lên là có thể thu hoạch.

6. Phòng trừ bệnh hại

  • Bọ trĩ: Phun ngừa từ lúc cây có hai lá mầm tới khi cây đậu trái bằng quả trứng. Sử dụng luân phiên các loại thuốc sau: Radiant, Cofidor, Abamectin, Chloryfios, dầu khoáng. Thời gian giữa hai lần phun từ 3-5 ngày tùy vào mật độ bọ trĩ, khi mật độ quá cao có thể sử dụng kết hợp dầu khoáng với những loại thuốc trên để tăng hiệu quả.
  • Dòi đục lá và bọ phấn trắng: Chỉ phun khi phát hiện. Dòi đục lá sử dụng Brightin để trị. Bọ phấn trắng sử dụng Serpal super để trị.

Lưu ý: Kết thúc phun thuốc trừ sâu trước khi cây được 45 ngày sau trồng.

Các loại bệnh hại: Chủ yếu là thán thư, sương mai, nứt thân chảy mủ và nhiễm khuẩn cấp tính. Nên ngừa bệnh là tốt nhất, sử dụng luân phiên 1 lần/tuần các thuốc sau để ngừa: Ridomil + Score hoặc Metalatxyl + Mancozed + Score; Antracol; Norshild.

Lưu ý: Phun thuốc phủ đều hai mặt lá, kết thúc phun thuốc trị bệnh khi cây được 50 ngày sau trồng.

Bệnh nhiễm khuẩn cấp tính: Ngừa bệnh bằng Aliette tưới gốc 10 ngày/lần. Nếu phát sinh bệnh thì điều trị như sau:

+ Ngưng tưới phân, nước 1 ngày. Phun Poner ướt đẫm toàn bộ cây.

+ Ngày thứ hai chỉ tưới 1 lần nước vào buổi trưa, thời gian tưới là 10 phút.

+ Ngày thứ ba, tư tăng số lần tưới nước lên 2 lần.

+ Ngày thứ năm tưới phân, nước lại bình thường.

          Lưu ý: Giai đoạn từ khi bắt đầu đậu quả tới khi quả to bằng nắm tay cây rất dễ nhiễm bệnh, phải theo dõi kỹ toàn bộ nhà trồng 2 lần/ngày để kịp thời phát hiện bệnh.

Bài viết liên quan