Với khí hậu ôn hòa, đường bờ biển dài, Khánh Hòa tập trung không ít thế mạnh để phát triển ngành thủy sản. Thống kê cho thấy tổng số lồng thả nuôi tôm hùm toàn tỉnh khoảng 64.500 ô lồng, sản lượng trên 1.300 tấn (theo báo cáo của Chi cục Thủy sản Khánh Hòa năm 2021), tạo việc làm cho hơn 4000 lao động nông thôn tập trung tại 4 vùng biển nuôi trọng điểm của tỉnh là Vạn Ninh, Ninh Hòa, Nha Trang, Cam Ranh.
Tuy nhiên, năm 2017, cơn bão số 12 giật cấp 15 đổ bộ vào Khánh Hòa gây ra thiệt hại nặng nề cho tỉnh, trong đó cả tỉnh thiệt hại khoảng 16.500 tỷ đồng, riêng lĩnh vực thủy sản thiệt hại hơn 11.000 tỷ đồng, trong khi lồng bè truyền thống thiệt hại 100% thì hệ thống lồng HDPE áp dụng công nghệ của Na Uy, Mỹ lại an toàn tuyệt đối.
Trong những năm qua, Đảng và nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách để phát triển nuôi biển thích ứng với biến đổi khí hậu. Ngày 04/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1664/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nhằm hiện thực hóa Quyết định của Chính Phủ, tỉnh Khánh Hòa đã ban hành Quyết định số 1952/QĐ-UBND ngày 08/7/2022 về phê duyệt “Đề án thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao tại Khánh Hòa”. Đây là một trong những mục tiêu và là định hướng quan trọng trong Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28/1/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị Quyết số 42/NQ-CP ngày 21/3/2022 của Chính phủ ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28/01/2022 của Bộ Chính trị. Ngoài ra, chương trình hành động số 30-Ctr/TU ngày 23/02/2022 của Tỉnh ủy Khánh Hòa thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TW ngày 28/01/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm để phát triển mạnh kinh tế biển của tỉnh là phát triển nuôi trồng, khai thác, chế biến hải sản trong đó tập trung phát triển nuôi biển theo hướng công nghệ cao trên biển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Với chức năng nhiệm vụ được giao, phát triển nuôi biển theo hướng công nghệ cao cũng là một trong những phương hướng, nhiệm vụ quan trọng được Trung tâm Khuyến nông Khánh Hòa đưa vào chương trình trọng điểm triển khai trong những năm tới. Nối tiếp từ thành công của dự án Khuyến nông Quốc gia: “Xây dựng mô hình nuôi cá biển bằng lồng tròn HDPE kiểu Na Uy” do Trung tâm Khuyến nông Khánh Hòa thực hiện giai đoạn năm 2020-2022. Trung tâm tiếp tục triển khai Chương trình Khuyến nông năm 2022: “Mô hình nuôi tôm hùm bằng lồng vật liệu mới HDPE” thích ứng với biến đổi khí hậu tại xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa.
Mô hình nuôi tôm hùm bằng lồng HDPE tại Vịnh Vân Phong, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa.
Ưu điểm của mô hình đó là sự thay thế lồng gỗ truyền thống sang lồng HDPE hình vuông có độ bền cao (từ 20-30 năm), thích ứng với biến đổi khí hậu và phù hợp với nuôi tôm hùm, quy trình nuôi cũng được điều chỉnh để phù hợp trong điều kiện sản xuất thực tế của ngư dân. Bên cạnh đó, ngoài ứng dụng nuôi tôm hùm bằng lồng HDPE thì người nuôi còn được trang bị các công nghệ giám sát môi trường tự động, công nghệ năng lượng mặt trời, camera theo dõi định vị giám sát vật nuôi. Đây là giải pháp ưu việt giúp người dân chủ động trong công tác bảo vệ tài sản, theo dõi và chăm sóc vật nuôi thủy sản; đưa ra các giải pháp để hạn chế rủi ro, thiệt hại nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo phát triển sản xuất bền vững. Khi bão lũ xảy ra, việc trang bị hệ thống thông tin liên lạc định vị lồng HDPE sẽ giúp công tác tìm kiếm cũng như di dời lồng bè thuận lợi hơn, đảm bảo an toàn cho người và tài sản, nhằm hạn chế thấp nhất mức độ thiệt hại.
Với quy mô 448 m3 gồm 8 ô lồng HDPE và bộ định vị, thiết bị giám sát kèm theo, mô hình được triển khai tại hai hộ nuôi tôm hùm có nhiều kinh nghiệm trong nuôi tôm hùm thương phẩm, có mong muốn được áp dụng công nghệ cao để tăng hiệu quả sản xuất.
Cùng với việc hỗ trợ về lồng HDPE, Trung tâm còn hỗ trợ người dân tham gia mô hình về giống tôm hùm, thức ăn và vật tư. Trước khi triển khai vụ nuôi, người dân được tham gia lớp tập huấn kỹ thuật nuôi tôm hùm. Trong suốt quá trình triển khai, người nuôi được hướng dẫn quản lý và chăm sóc lồng nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật. Đồng thời, các lồng nuôi tôm được thường xuyên kiểm tra, theo dõi hoạt động của tôm để kịp thời xử lý, nhất là khi điều kiện thời tiết biến động.
Tôm hùm bông nuôi của hộ dân tham gia mô hình
Kết quả bước đầu cho thấy, mô hình nuôi tôm hùm bằng lồng vật liệu HDPE của hai hộ dân đã có sự khác biệt rõ rệt so với lồng gỗ truyền thống. Cụ thể, lồng HDPE tạo môi trường thông thoáng dòng nước lưu thông tốt, tôm hùm sinh trưởng và phát triển tốt, ít có dịch bệnh. Sau hơn một tháng thả nuôi tôm hùm bông giống, tôm đã đạt trọng lượng trung bình 200g/con, tỉ lệ sống > 90% (kích cỡ tôm giống thả nuôi từ 100÷120 gram/con), hệ số FCR<30. Đặc biệt hơn nữa, với sức bền, nổi của lồng nuôi HDPE, người nuôi có thể kết hợp nuôi đa tầng trong một ô lồng.
Đoàn cán bộ Trung tâm kiểm tra lồng nuôi tôm hùm đa tầng (ba tầng) của hộ dân tham gia mô hình.
Dự kiến mô hình thu được sau 8 tháng nuôi có năng suất đạt ≥ 5 kg/m3, FCR ≤ 31, tôm thương phẩm kích cỡ 700 – 800 g/con, tỷ lệ sống đạt ≥ 70%. Hiệu quả kinh tế tăng 15% so với nuôi theo lồng gỗ truyền thống.
Từ hiệu quả mô hình đạt được, một số hộ nuôi xung quanh đã đến tham quan, học tập để nhân rộng mô hình. Ngoài ra, Trung tâm Khuyến nông tỉnh tăng cường các lớp đào tạo, huấn luyện, đưa bà con ngư dân những nơi chưa tiếp cận kỹ thuật này đến tham quan trực tiếp để áp dụng cho mô hình nuôi của gia đình mình, cũng như nhân rộng ra cho các hộ dân khác có nhu cầu học tập và làm theo.
Nhận thấy những lợi ích rõ rệt từ việc chuyển đổi lồng gỗ truyền thống sang lồng nuôi HDPE, các hộ dân đã phần nào an tâm sản xuất. Góp phần phát triển cơ cấu kinh tế ở các vùng nông thôn ven biển, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cải thiện đời sống nhân dân, phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo an ninh vùng ven biển. Bên cạnh đó, phía các cơ quan quản lý nhà nước cũng đang nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách nhất là việc giao diện tích mặt nước, có chính sách tín dụng dành cho người dân, doanh nghiệp; kết nối doanh nghiệp-người nuôi phát triển theo chuỗi giá trị gia tăng; hướng tới mục tiêu từ nay đến năm 2030 chuyển đổi 100% lồng gỗ sang lồng nhựa HDPE”. Từng bước đưa ngành nuôi biển phát triển bền vững, có sức cạnh tranh của ngành ở giai đoạn mới, đảm bảo đủ điều kiện hội nhập.
Phòng Khuyến ngư
Trung tâm Khuyến nông tỉnh Khánh Hòa