Các Chuyên mụcKỹ thuật nông nghiệp

QUY TRÌNH KỸ THUẬT NUÔI TÔM THẺ CHÂN TRẮNG 02 GIAI ĐOẠN TRÊN AO LÓT BẠT ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SEMI-BIOFLOC

Những năm gần đây, ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh đã chuyển giao nhiều biện pháp kỹ thuật mới giúp người nuôi tôm giảm tối đa rủi ro do dịch bệnh, tăng hiệu quả kinh tế, trong đó hiệu quả nhất là kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng 2-3 giai đoạn. Vì vậy, việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào nuôi tôm thẻ chân trắng 02 giai đoạn là điều cần thiết.

1. Vệ sinh hệ thống.

+ Trước mỗi vụ nuôi, toàn bộ hệ thống được vệ sinh sạch sẽ để loại bỏ các tác nhân gây bệnh. Cụ thể như sau:

+ Tháo cạn nước ao (bể), dùng máy bơm cao áp (máy xịt rửa xe) hoặc máy bơm  chìm để xịt rửa ao (bể), sau đó dùng chổi cước hoặc máy chà bạt để loại bỏ các vết bẩn sau mỗi vụ nuôi, tiến hành phơi nắng, rải vôi nung (CaO) từ 2-3 ngày để diệt khuẩn.

+ Tiến hành chà rửa và ngâm các dụng cụ nuôi (ống siphon, vợt, ống nano oxy, dây khí, …)

+ Xử lý các hố ga (hố chất thải), hệ thống ống dẫn chất thải trong ao (bể), khu vực hố và lân cận bằng dung dịch chlorine nồng độ 50 ppm để diệt trừ mầm bệnh.

Hệ thống xử lý, chuẩn bị ao nuôi giai đoạn 1 và giai đoạn 2 trước khi thả nuôi

2. Lọc nước và xử lý nước:

       Nguồn nước phục vụ cho nuôi tôm có trữ lượng lớn nên cần phải có ao chứa để lắng các chất hữu cơ, các chất lơ lửng, cũng như phải có hệ thống lọc hoặc túi lọc trước khi xử lý cấp vào ao nuôi. Độ mặn thích hợp để áp dụng cho nuôi tôm mô hình này từ 15-35%0, lý tưởng nhất là từ 18-20%0. Thấp hơn 15%0 Biofloc khó phát triển và rất dễ bị chìm (do tỷ trọng của nước lợ nhạt không cao), độ mặn > 30%tốt cho Biofloc nhưng có thể ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của tôm nuôi.

Hệ thống ao cấp (sẵn sàng) và ao nuôi giai đoạn 2

3. Nuôi cấy vi sinh và tạo floc:

       Tạo Biofloc trong thùng phuy nhựa 200 lít với các nguồn nguyên liệu sau: vi sinh, mật rỉ đường, nước ngọt sạch, thức ăn N0 (hoặc cám gạo), khoáng (hoặc Zeolite) có sục khí mạnh trong vòng 48 giờ, khi thấy bọt trắng nổi đầy mặt thùng thì tiến hành bổ sung 4-5 kg mật rỉ đường rồi xả xuống ao nuôi. Liều lượng mỗi ao 1 thùng, làm liên tục 2-3 ngày thì có thể thả giống vào ao nuôi. Khi Biofloc đã phát triển tốt ở trong ao nuôi thì liều lượng này có thể giảm đi (1 thùng 200 lít có thể dùng cho 2 ao, định kỳ 1 ngày/lần tùy vào màu nước ao nuôi.

4. Chăm sóc và quản lý ao nuôi

4.1. Ương tôm giai đoạn I:

– Thời gian ương: Trung bình từ 20-25 ngày (tùy theo sự phát triển của tôm)

– Kích cỡ tôm ương đạt yêu cầu nuôi thương phẩm: từ 1.000-2.000 con/kg

 Khi nước trong ao ương hoặc ao nuôi sử dụng tạm làm ao ương đã có màu tốt  (thông thường là màu nâu khaki), các thông số môi trường đều nằm trong ngưỡng phù hợp thì tiến hành thả tôm giống (kích cỡ tôm giống PL 12-15), thời điểm thả tôm thích hợp là vào buổi sáng sớm từ 5-6 giờ sáng trước khi mặt trời lên nhằm hạn chế sốc nhiệt và thay đổi các yếu tố môi trường quá lớn, mật độ ương dao động: 1.000- 1.500 PL/m3 .

Tôm được kiểm tra và thuần hóa với ao nuôi trước khi thả giống

– Vận hành hệ thống sục khí đáy và chạy quạt nước 24/24 (chỉ dừng sục khí đáy khi tiến hành siphon chất thải). Định kỳ hàng ngày tiến hành bổ sung biofloc (lúc 08:00 — 09:00) và khoáng liêu lượng 5 kg/lần (1 ngày bổ sung 2 lần vào lúc 08 giờ sáng và 18 giờ chiều). Định kỳ siphon 4-5 ngày/lần trong tuần đầu, sang tuần thứ hai trở đi tiến hành siphon định kỳ 1lần/ngày

– Mật độ tôm ương giai đoạn này từ  1.000 – 1.500 con/m3, nuôi trong thời gian từ 20-25 ngày, tôm đạt kích cỡ từ 600-800 con/kg thì tiến hành sang qua ao nuôi giai đoạn II.

 Hướng dẫn cho tôm ăn

– Thức ăn: thức ăn công nghiệp dạng viên, có độ đạm tối thiểu là 40%;

– Cho ăn: ngày đầu cho tôm giống ăn theo tỷ lệ 0,5 kg thức ăn cho 100.000 con; từ ngày thứ 2 đến ngày thứ 10: mỗi ngày tăng thêm 150 g thức ăn; từ ngày thứ 11 đến ngày thứ 25: mỗi ngày tăng thêm 200 g thức ăn. Mỗi ngày cho ăn 04 lần theo Bảng hướng dẫn sau

4.2. Quản lý và chăn sóc tôm nuôi giai đoạn II (ao 800 m3): 

– Mật độ tôm nuôi giai đoạn này từ 400 – 500 con/m3, tỷ lệ sống 90%.

– Điều khiển mật độ Biofloc trong hệ thống ở giai đoạn nuôi 2: Theo công nghệ Semi-Biofloc, mật độ Biofloc cần được duy trì ở mức 2-5 ml/lít. Tỷ lệ tảo cần duy trì khoảng 30%.

– Sử dụng riêng dụng cụ cho từng ao và cách ly khu vực ao nuôi với các khu vực khác, xung quanh bờ ao cần có lưới chắn để ngăn ngừa địch hại xâm nhập vào ao nuôi truyền nhiễm bệnh cho tôm.

5. Thu hoạch: Tôm nuôi đạt kích cỡ thương phẩm từ 50-60 con/kg tiến hành thu hoạch bán cho thương lái.

– Phương pháp thu hoạch: Dùng lưới kéo có kích cỡ mắt lưới phù hợp để tiến hành thu tôm, tôm sau khi kéo được cho vào các phuy 200 lít có chứa sẵn nước mặn và đá hoặc trong các thùng nhựa composite 200 lít chứa nước mặn có sục khí, vận chuyển bằng xe tải đông lạnh (xe tải bảo ôn) để đưa đến nơi tiêu thụ.

– Đánh giá hiệu quả kinh tế: Trên cơ sở sản lượng tôm nuôi/vụ, hệ số FCR và các khoản chi phí khác (tiền giống, tiền điện, nhân công, vật tư, khấu hao tài sản,…), giá thành tôm thương phẩm để tính ra lợi nhuận kinh tế. Từ đó, tiến hành so sánh hiệu quả kinh tế của mô hình đối với các mô hình nuôi do người dân đang thực hiện.

Phòng Khuyến ngư- Trung tâm Khuyến nông tỉnh Khánh Hòa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.